Nghề lập trình viên ngành không phụ lòng người

Giải pháp cho chuyện yêu đương thường cũng thông qua mạng nốt, thậm chí có anh yêu 2 – 3 cô trên mạng!


Lập trình viên (LTV) là nghề đang được giới trẻ xem là nghề thời thượng và hấp dẫn, có sức thu hút lớn bởi hình ảnh những chàng trai cô gái trí thức sáng sủa, ngồi trong phòng lạnh, lãnh lương cao và “lướt net” không tốn tiền! Dân trong nghề gọi đó là nghề “thuyền trưởng” cho máy tính.

Nạp kiến thức

Thật ra, LTV không có nghĩa là chỉ viết phần mềm mà thực sự là tham gia một quá trình gồm nhiều giai đoạn: phân tích thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, lập trình dựa theo thiết kế, kiểm lỗi… Thông thường một LTV mới vào nghề thường bắt đầu từ công việc kiểm lỗi sau đó mới đến các giai đoạn phức tạp hơn: lập trình, thiết kế… Trước giờ, LTV vẫn được gắn với những viễn cảnh thật hấp dẫn: làm phòng máy lạnh, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và có nhiều cơ hội thăng tiến. Điều đó không sai, nhưng để trở thành một LTV chuyên nghiệp thực sự không đơn giản.

Trước tiên, bạn phải nằm lòng một khối lượng lớn kiến thức cơ sở về lập trình như: cấu trúc dữ liệu, kỹ thuật lập trình, Java, C++… chưa kể thêm một số kiến thức cao hơn như: phát triển và quản lý chất lượng phần mềm, quản lý cơ sở dữ liệu, mạng máy tính, Internet và viễn thông, Oracle 9i, ứng dụng phân tán, lập trình web… Nếu học đại học thì phải dành 2 năm cuối để “ngốn” toàn bộ số kiến thức đó, hoặc học tại các chương trình LTV quốc tế Tata Infotech, Aptech, NIIT, Kent… thì cũng mất chừng đó thời gian. Nhưng muốn thành thạo bạn còn phải “tốn” thêm khoảng từng ấy thời gian để tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và thử thách bản thân trong môi trường làm việc thực tế. Tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn của LTV Việt Nam. Ngoài ra, việc tự học, tự nghiên cứu thêm trong quá trình học là rất quan trọng, đặc biệt là khả năng tư duy trừu tượng rất cần thiết đối với một LTV chuyên nghiệp.


Gian nan và thử thách

Trong công việc, căng thẳng, mệt mỏi và áp lực cao là đặc thù của nghề LTV. Có những dự án gấp và khó, LTV phải thức trắng đêm để kịp hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn là chuyện thường. Xuân Đào, một LTV trẻ mới tốt nghiệp nói về công việc của mình: “Cứ có dự án thì coi như tụi này “dọn nhà” lên công ty ở luôn. Ăn, ngủ đều ở công ty. Đêm thì thức đến 1, 2h sáng là chuyện thường. Cứ như vậy, bao giờ xong dự án thì thôi!”. H.H, cựu sinh viên ĐH Bách khoa, đang là LTV cho một công ty tin học ở Tân Bình đã quyết định vào ở hẳn công ty từ 2 năm nay. Hỏi thì H.H cười: “Lúc đầu thì cũng đi đi về về giữa công ty và chỗ trọ, sau thì 1 tuần mới về một lần. Một số đồng nghiệp rủ ở luôn cho vui, đi tới đi lui chi cho mệt. Vậy là định cư luôn”. Khá nhiều dân lập trình trẻ với họ cuộc sống chỉ cần mấy thứ thiết thân: điện thoại di động, xe máy, USB (ổ nhớ rời) có dung lượng lớn, thẻ ATM và vài cái áo thun, quần jeans là đủ. Giải pháp cho chuyện yêu đương thường cũng thông qua mạng nốt, thậm chí có anh yêu 2 – 3 cô trên mạng!


Nghề không phụ người

Khổ vậy nhưng mỗi năm vẫn có hàng ngàn bạn trẻ gia nhập đội ngũ LTV chuyên nghiệp ở Việt Nam. Và khối thí sinh ao ước được bước chân vào giảng đường ĐH khoa Công nghệ thông tin. Tại sao? Tất cả chỉ vì để thỏa niềm đam mê sáng tạo những sản phẩm phần mềm, công cụ phục vụ đời sống hiện đại và được thử thách mình trong thế giới thực và ảo của máy tính và mạng Internet.

Chưa kể mức thu nhập của LTV hiện nay cũng được xem là khá cao so với những ngành nghề khác, môi trường làm việc thì “không chê” vào đâu được. Trung bình mức lương chính thức của một LTV trẻ mới ra trường cũng trên dưới 3 triệu đồng/tháng (trong khi nếu ở các ngành nghề khác sinh viên mới ra trường thường lương chỉ được khoảng 1,5 đến 1,8 triệu), làm cho các công ty nước ngoài thì thấp nhất cũng khoảng 200 USD/tháng. Nếu có thâm niên 3 – 4 năm phải trên 400 USD/tháng. Các nhà chuyên môn trong ngành cũng khẳng định, tuy còn một số vướng mắc cần phải khắc phục nhưng nhìn chung các công ty phần mềm quốc tế đã bắt đầu chấp nhận trình độ của LTV Việt Nam. Đó là một tín hiệu vui và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho những ai đã, sẽ và sắp bước chân vào nghề này.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *